Về “Ăn” Cả Miền Tây Mùa Nước Nổi

Bạn đang xem bài viết Về “Ăn” Cả Miền Tây Mùa Nước Nổi
tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.

Tây Nam Bộ đang vào mùa nước nổi. Những cánh đồng lúa bát ngát; sắc sông nhuộm hồng hoa sen, hoa súng; tràm trắng phủ lung linh; điên điển rợp vàng; tôm cá đầy ghe… Mùa nước nổi là mùa bội thu thủy sản nhất, cũng là mùa đẹp nhất, có nhiều món ngon độc đáo của miền Tây nhất.

Miền Tây mùa nước nổiTrắng trời nước mênh mông – Miền Tây mùa nước nổi(Ảnh: Internet)

Nếu nói về vẻ kiêu kỳ, sang trọng, ẩm thực miền Tây ít có. Nếu nói về sức hấp dẫn để yêu từ cái nhìn đầu tiên, tôi cũng e là khó. Nhưng những người bạn đến từ khắp nơi trên đất nước khi về quê hương Tây Nam đều không khỏi xuýt xoa trước những món ngon mộc mạc. Chúng tôi bị cái ngọt lành của đủ loại rau làm mê mẩn, bị cái mặn mòi của nước mắm xắt vài lát ớt cay cay làm say, trót nhớ đến diết da vị lẩu chua ngọt thơm nồng, vị của kho quẹt kèo kẹo. Đến chút nước cá kho đặc sệt cũng có thể trở thành đặc sản của vùng đất phù sa.

Lẩu cá linh bông điên điển

Có một thời nội tôi mê mấy câu hát của Phi Nhung:

“Xa xăm nơi chốn lưng biền,

Ăn bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê”.

Thời đó tôi chẳng biết điên điển, cũng chẳng hiểu có gì hay mà phải “nghiêng mình nhớ quê” cho đến khi được đến miền Tây và ăn món lẩu bông điên điển hồi cuối tháng 9. Lẩu cá linh bông điên điển nói vui thì thuộc hàng kinh điển của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi, nói nghiêm túc thì cũng ngon nhất nhì “mùa len trâu”.

Lẩu cá linh ăn kèm bông điên điểnLẩu cá linh ăn kèm bông điên điển(Ảnh: Internet)

Cá mùa nước nổi nhỏ chỉ hơn đầu đũa một chút được làm sạch ruột, cắt đuôi rồi cứ thế mà nhúng lẩu. Nước dừa tươi sôi, thả mấy trái me sống vào dằm cho chua thanh rồi nêm một chút cho vừa ăn. Chỉ chờ nước sôi là thả bông điên điển, cá linh vào dùng. Thịt cá béo, thơm, xương rất mềm. Bông điên điển thực sự khó tả. Một cảm giác khó nói về thứ bông dại mọc đầy mé sông mà lại ngọt lành, giòn sật, thơm bùi rất lạ. Húp thêm một chút nước lẩu chua chua, ngọt ngọt, chỉ cần bấy nhiêu đã đủ mát ruột, mát lòng.

Cá linh còn có thể kho tép, kho me, làm mắm. Bông điên điển thì mênh mông là món, dễ thì đem đi xào, khó chút thì đổ bánh xèo cũng rất ngon.

Bông súng trắng kho mắm cá sặc đồng

Bông súng được trời cho tính dễ sống, dễ mọc, phóng khoáng tựa tính tình của người dân nơi đây. Nơi nào nước lên, nơi đó bông súng sẽ cắm rễ thật sâu dưới lòng sông rồi bung lên mặt nước loài hoa chẳng hương, ít sắc nhưng quen thuộc và hữu ích. Cọng súng nhúng lẩu ngon, làm gỏi, làm dưa chua, bóp xổi hay làm rau ghém ăn sống cũng ngon, mà ngon nhất thì phải là chan với mắm cá sặc đồng.

Bông súng và mắm cáBông súng và mắm cá(Ảnh: Internet)

Bông súng chèo ghe ra sông hái về, cắt lấy thân, tước bỏ mùng rồi rửa sạch, để ráo. Mắm cá sặc đồng thì kì công lắm, từ nấu, lọc đến thêm sả, thêm thịt, thêm tép… Nấu mắm sôi, người ta thả một ít cà tím vào nấu mềm và chan với bông súng. Mắm thơm, mặn mà không gắt, vị rất đậm, thêm bông súng giòn, hậu ngọt và thanh, tươi mát tạo thành một món ăn đơn sơ, chẳng mấy tốn kém về mặt tiền bạc, đổi lại thì mất sức vì “lỡ” bỏ tâm hồn ra để nhớ, để thương một món ngon miền Tây Nam Bộ.

Gỏi sầu đâu

Lá sầu đâu non có vị đắng, nhẫn nhẫn, khi ăn phải trụng qua nước gạo sôi và ngâm nước đá cho giòn. Trong thời gian đó, người dân sẽ đi nướng khô rồi xé nhỏ, bào dưa leo, xoài xanh, luộc ba chỉ, tôm đất rồi trộn lại với nhau.

Xốt trộn đặc biệt phải là mắm me. Tỏi, ớt giã nhuyễn, thêm mắm me vào nấu sôi với lửa nhỏ rồi lọc hạt ra, nêm nếm cho đủ vị mặn – ngọt – chua – cay rồi tiếp tục nấu cho đến khi kẹo lại, sền sệt, trộn vào gỏi. Vị gỏi chua cay mạnh sẽ át bớt vị đắng của sầu đâu, nhưng cái chan chát đầu lưỡi thì vẫn còn ở đó, ngon vô cùng.

Gỏi sầu đâuGỏi sầu đâu khô cá đồng mặn, ngọt, chua, chát, ngọt(Ảnh: Internet)

Các loại ốc, cá, ba khía

Mùa nước nổi mang đến cho miền Nam một lớp áo phù sa màu mỡ, rửa trôi các nguồn sâu bệnh. Nước lên cũng mang theo một nguồn thủy sản dồi dào. Đến tỉnh nào mùa này cũng không sợ đói bởi tôm, cá, cua, ốc, rắn luôn dồi dào. Ốc nướng, hấp, xào sả ớt nhiều vô kể.

Ba khía Cà MauBa khía Cà Mau(Ảnh: Internet)

Một đặc sản nữa không thể bỏ qua là ba khía. Ba khía thoạt nhìn như cua nhưng nhỏ, làm được rất nhiều món. Khi ăn chủ yếu là mút vị mặn ở bên ngoài, cắn nhẹ một chút để lấy vị thơm ngọt bên trong. Nói đến ba khía thì có cả một bàn tiệc toàn món ngon: ba khía rang me, rang muối ớt, hấp bia, chiên giòn và ngon nhất, nổi tiếng nhất là ba khía muối ở đất mũi Cà Mau.

Đặc trưng ẩm thực miền Tây gói ghém trong 2 từ dân dã. Dân dã của nguyên liệu, của cách dùng, dân dã ở cả cái cách mà người dân mời bạn thưởng thức. Sắp hết năm, nước cũng rút dần. Nếu đang muốn đi và ăn thật ngon, đừng ngại xa xôi mà bỏ lỡ vùng đất phương Nam.

Cảm ơn bạn đã xem bài viết Về “Ăn” Cả Miền Tây Mùa Nước Nổi
tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.

Similar Posts